Fabergé là hãng kim hoàn trứ danh, biểu tượng xa hoa của Đế chế Sa Hoàng Nga (Russian Imperial Court), được thành lập bởi nghệ nhân kim hoàn huyền thoại Gustav Faberge năm 1842. Con trai Ông, Peter Carl Fabergé (Pierre-Karl Fabergé) tiếp quản sự nghiệp kinh doanh kim hoàn của gia đình từ năm 1882 và biến Fabergé trở thành hãng kim hoàn danh tiếng Thế giới.
Peter Carl Fabergé sinh năm 1846 và theo học nghề cha, một thợ kim hoàn. Được đào tạo tại St Petersburg và Dresden, nơi ông đã chịu ảnh hưởng mê hoặc bởi những kho báu thời Phục hưng và phong cách Baroque trong các Bảo tàng lịch sử (Green Vaults) nổi tiếng.
Mỗi quả trứng Phục Sinh (Easter eggs) của Fabergé chứa đựng bên trong cả đại công trình tỉ mỉ đầy sáng tạo, bất ngờ dành cho Hoàng gia Nga mỗi dịp Phục sinh với ý nghĩa đổi mới và sung túc.
Là một thiên tài sáng tạo và kinh doanh, Peter Carl Fabergé đẫ để lại một di sản vô giá các đồ trang sức và kim hoàn tinh tế, đầy nghệ thuật; đến nay vẫn còn thôi miên giới sưu tập bảo vật thượng lưu.
Trong suốt những đời Nga Hoàng, chỉ có 50 quả được hoàn thành, hiện tại 43 quả đã có chủ và 7 quả đang thất lạc rải rác khắp phương Tây với mức giá chưa bao giờ thấp hơn 1 triệu Euro. Đó là lý do tại sao các cuộc săn “kho báu” luôn gay cấn và dai dẳng chưa có hồi kết.

“Trứng gà mẹ” (Hen Egg 1885) được Nga hoàng Alexander đệ Tam giành tặng cho Hoàng hậu Maria Fedorovna nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Khi tách quả trứng để lộ ra một lòng đỏ trứng bằng vàng. Lòng đỏ lại mở ra để lộ một chú gà vàng dát ngọc với đôi mắt đính hồng ngọc. Bên trong chú gà lại có hai điều kinh ngạc nữa: một vương miện tí hon bằng kim cương, và một sợi dây chuyền mặt hồng ngọc. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hẳn Hoàng hậu sẽ vui sướng biết bao với quả trứng kỳ diệu đó. Những món quà bên trong đó đã mất tích nhiều năm trước với những lời đồn đoán hư ảo từ giới săn “kho báu”.

Trứng Phục sinh Vacheron Constantin của Hoàng hậu Maria Feodorovna được bán với giá 20 triệu euro.
Ngoài trứng Hoàng gia, Fabergé làm thiết kế ra những bản sao theo các đơn đặt hàng khác. Thí dụ như tỷ phú Alexandre Kelch, nhà tư bản công nghiệp được biết như một người nắm giữ nhiều vàng nhất nước Nga, đã tặng cho vợ 7 quả trứng sao y trứng Hoàng gia nhưng bằng sứ màu đỏ từ năm 1898 cho tới 1904.
Hay hoàng tử Yusupov cũng đặt hàng quả trứng hình chiếc đồng hồ quả lắc làm vật trang trí xa xỉ. Bàn tay của người thợ kim hoàn này không chỉ gói gọn ở những quả trứng Phục sinh mà còn bao gồm những chiếc tàu thủy tí hon có thể chạy trên nước, những khung ảnh pha lê gắn lông vũ, thậm chí những cây kim đan len khảm vàng cho một nữ công tước…

Nếu vặn đúng một chiếc chìa khóa vàng nằm ẩn trong lá, một chú chim họa mi sẽ nhảy ra hót líu lo, vẫy cánh và lắc lư.

Trứng Imperal Winter Egg được nhà Forbes bán với giá 9,6 triệu USD vào năm 2002. Trứng này Fabergé làm năm vua Nicolas II lên ngôi vào tháng 4 năm 1897, bên trong bày trí cỗ xe vua bằng vàng có gắn kim cương đá quý.
Vào thời kỳ hoàng kim, Fabergé đã phải huy động hơn 500 thợ tay nghề chế tác những mẫu trứng Phục sinh và đồ trang sức tinh xảo cho giới danh gia vọng tộc Châu Âu.

Trải qua nhiều lần đổi chủ, đáng chú ý đến năm 1989, thương hiệu Fabergé được mua lại bởi tập đoàn Unilever với thương vụ lên đến 1,55 tỷ USD, sau đó được bán lại cho Pallinghurst Resources, một công ty khai thác mỏ có tiếng tại Nam Phi, dưới sự lèo lái của hai người cháu nhà Fabergé.
Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy việc “hồi sinh” di sản trăm năm, Fabergé đã đầu quân về tập đoàn Gemfields. nơi sở hữu hầu hết các mỏ đá quý trên thế giới đã tạo tiền đề cho Fabergé tái sinh thành gã khổng lồ trên thị trường hàng xa xỉ và được công nhận trên toàn thế giới.
Gần đây, Fabergé đang đem những quả trứng Phục sinh mô phỏng của quá khứ lẫy lừng vào những chiếc vòng thời thượng. Chỉ có điều, nó được thu nhỏ và trở thành những mặt dây chuyền giá trị.

Thế nhưng, người ta vẫn tìm thấy ở nó những giá trị hệt như quá khứ vang danh. Những quả trứng này không chỉ được làm bằng vàng, nạm kim cương, ruby… mà trên nó còn chứa đựng những hoa văn tinh xảo. Dĩ nhiên, giá của nó không hề rẻ, trên dưới 10.000 USD. Nhưng chỉ cái tên Fabergé cũng đã đủ để khiến giới sành điệu mất tiền vì nó.
Những quả trứng phù hoa của Fabergé vẫn luôn là thứ thiêu cháy các buổi đấu giá nhà Christie’s hay Sotheby’s. Hiện nay, các chủ sở hữu lớn nhất là bảo tàng lịch sử Armoury Kremlin ở Moscow với 10 trứng, còn lại nằm rải rác tại các bảo tàng Mỹ, bảo tàng Mỹ thuật Virginia được cống tặng 5 trứng từ vợ một doanh nhân Mỹgiàu có, Lillian Thomas Pratt.
Ngoài ra, 3 trứng được bảo quản tại bảo tàng Hoàng gia Nga, số còn lại hoặc được sưu tầm rải rác hoặc còn thất lạc ở nhiều nơi trên thế giới.

“Mosaic Egg” trong bảo tàng Hoàng Gia với thiết kế phủ khắp ruby và kim cương, bên trong là chiếc huy chương ngà voi được khắc chân dung 5 người con của Sa hoàng Nicholas II và Tsarina Alexandra .
Khi chiêm ngưỡng những quả trứng Hoàng gia, một phần trong ta choáng ngợp bởi sự hào hoa tráng lệ của kim cương, đá quý, một phần khâm phục kỹ xảo chế tác trứng vượt xa cả công nghệ chế tác kim hoàn hiện nay.

Fabergé đã kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và sự tài hoa, khéo léo làm nên tên tuổi không thể lu mờ của ông đến mãi sau này.
Nguồn: Fabergé với tất cả sự ngưỡng mộ của chúng tôi