Thị trấn Kolmanskop, Namibia từng là nơi thịnh vượng nhất thế giới. Bệnh viện ở đây sở hữu chiếc máy chiếu X-quang đầu tiên ở nam bán cầu. Giờ thì nơi này bị chôn vùi trong hoang mạc.
Mỏ kim cương không phải là vô hạn
Nhìn vào thị trấn đó bây giờ, thật khó tin được có thời những dãy nhà vô chủ mục nát này từng là một trong những nơi giàu có nhất thế giới. Nằm ở rìa phía nam sa mạc Namib trải dài ở Tây Phi, thị trấn nhỏ Kolmanskop giờ đây phủ đầy bụi cát. Hồi 100 năm trước, nơi đây từng là một mỏ kim cương nhộn nhịp.
Vào thời hoàng kim của thị trấn, đá quý dễ dàng được tìm thấy đến nỗi người ta có thể nhặt chúng ra từ cát. Công nhân cầm những chiếc lọ, quỳ xuống lần tìm và nhặt đầy kim cương.
Nhưng khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, mọi người dần bỏ đi.
Ngày nay, Kolmanskop là khu vực cấm do công ty Kim cương Namdeb, một công ty liên doanh giữa De Beers và chính phủ Namibia, kiểm soát. Nhưng nếu có giấy phép thì người ta vẫn có thể đến thăm nơi này. Thị trấn ma bạc phếch dưới ánh mặt trời giờ là một điểm đến du lịch và rất hút các nhiếp ảnh gia – những hình ảnh ấn tượng nhắc nhở cho ta biết sự biến đổi công nghiệp và kinh tế để lại dấu vết ra sao.
Một hàng thịt, một tiệm bánh
Kolmanskop được đặt tên theo một người đánh xe bò tên Johnny Coleman, người đã bỏ lại chiếc xe thồ của ông gần thị trấn trong một cơn bão cát. Về sau, thị trấn được mở rộng với một hàng thịt, một tiệm bánh, một xưởng làm nước đá, một bưu điện, một số quán bar, một sàn chơi bowling, một bệnh viện có trang thiết bị tốt và một phòng hòa nhạc, nơi các công ty trình diễn opera từ Châu Âu đến biểu diễn.
Năm 1912, Kolmanskop sản xuất 1 triệu carat kim cương – gần 12% tổng sản lượng toàn cầu. Nền cát hoang mạc đã được cạo sạch một cách hệ thống khi máy móc mới được đưa tới để khai thác đá quý. Các xẻng xúc bằng điện khổng lồ có thể xúc và chuyển đi cả một xe tải đầy cát mỗi lần.
Nhưng đến thập niên 1930, sự thịnh vượng của thị trấn hầu như đã cạn kiệt. Khi những mỏ kim cương được tìm thấy cách thị trấn 270km về phía nam, gần biên giới Namibia với Nam Phi, rất nhiều thợ mỏ ở Kolmanskop đã lên đường. Gia đình cuối cùng rời thị trấn hoang mạc vào năm 1956.
Những viên đá kỳ lạ
Theo dân địa phương kể lại, một công nhân đường sắt tên Zacherias Lewala là người đầu tiên phát hiện ra sự giàu có ẩn giấu dưới cát vào năm 1908 khi đang dọn dẹp tại những đoạn đường ray xe lửa đi qua khu vực này từ thị trấn bờ biển Lüderitz gần đó.
Ông đưa những viên đá lạ mà ông tìm được cho người quản lý mình, ông August Stauch, người từng là nhân viên của Công ty Kim cương De Beers.
Những viên kim cương đầu tiên được phát hiện đã tạo thành làn sóng săn lùng, khiến hầu như mọi phần của hoang mạc đều bị xới tung lên do các công nhân đãi cát. Kolmanskop phát triển nhanh chóng giữa những đụn cát dịch chuyển, trở thành nơi cư trú của hàng trăm thợ mỏ người Châu Âu và Namibia.
Đây từng là nhà của nhân viên kế toán khu mỏ. Hầu hết nhà cửa được xây theo kiểu Đức.
Bệnh viện được đầu tư tốt sở hữu chiếc máy chiếu X-quang đầu tiên ở nam bán cầu.
Việc khai thác kim cương vẫn tiếp tục diễn ra trong khu vực nhưng hầu hết được đưa ra ngoài khơi, nơi kim cương được lấy lên từ đáy biển chỉ cách bờ biển vài cây số.
Các tàu khai thác còn được gọi là máy hút kéo theo thiết bị nạo vét đi sau hút vào sỏi đá từ độ sâu 140m. Một con tàu có thể xử lý được 1.000 m2 trong vòng một giờ và sản xuất ra 350.000 carat kim cương mỗi năm.
Nguồn: Richard Gray – BBC Future