AMA, 海女, nữ thợ lặn ngọc trai và sản vật biển nổi tiếng của Nhật Bản từ 2000 năm trước. AMA được ghi chép trong tập thơ Man’yōshū vào thế kỷ thứ 8.
Man’yōshū – tiếng Nhật: 万葉集, Vạn diệp tập – là tuyển tập thơ của Nhật Bản lớn nhất và cổ xưa nhất còn lại đến ngày nay.
AMA và Triết lý sống Ikigai
Triết lý Ikigai danh tiếng về hạnh phúc và mục đích sống của người Nhật bắt nguồn từ công việc của nữ thợ lặn AMA trên đảo Okinawa. Vùng biển Okinawa có loài hàu vỏ đỏ đầy gai tuyệt đẹp gọi là Kai. Những chiếc vỏ này đẹp và hiếm đến độ người dân trên khắp Châu Á khao khát sở hữu và xem như món trang sức giá trị.
Đối với AMA trên đảo, lặn biển là công việc họ thành thạo và yêu thích. Họ lặn sâu dưới đáy biển để thu lượm sản vật biển và hàu vỏ đỏ (Kai) cho người khác và nhận được phần thưởng vì điều đó.
Triết ký Ikigai được hình thành từ ý niệm sống đó của cư dân trên đảo Okinawa. Ikigai = Iki (Cuộc sống) + Gai (Giá trị) = Giá trị cuộc sống.
Người dân Okinawa và Nhật Bản tin vào Ikigai. Thực tế, người Nhật nổi tiếng là người giỏi nghệ thuật làm chủ cuộc sống: Làm điều mình thích + việc mình giỏi + điều thế giới cần + được tưởng thưởng thành quả. Đây là một phương pháp thực hành đã truyền cảm hứng cho các nghệ nhân trong rất nhiều ngành nghề ở Nhật Bản. Ikigai là một phần của cuộc sống cân bằng giữa việc có ích và hưởng thụ cuộc sống.
AMA: Nữ thợ lặn trên biển Nhật Bản
Ban đầu, các AMA lặn tìm hải sản và bào ngư cho các Hoàng đế và triều đình. Phụ nữ được coi là phù hợp với nghề lặn. Lớp mỡ trong cơ thể cao giúp họ chịu đựng được nhiệt độ lạnh như băng của biển Nhật Bản. AMA bắt đầu tập luyện từ năm 12 tuổi với một thành viên lớn tuổi trong gia đình, theo nghề đến năm 70 hoặc 80 tuổi.
Theo truyền thống, AMA mặc đồ lặn màu trắng để tránh cá mập tấn công. Những thợ lặn tóc búi gọn, chỉ mặc một miếng khố (fundoshi) và khăn rằn (tenugui) quấn quanh đầu để che tóc cho đến năm 1960. Các AMA xuống nước kéo theo mộ chiếc xô gỗ. Khi bơi đủ xa, họ vịn vào bên hông chiếc xô và ngụp mặt tìm những món quý giá dưới nước. Khi thấy thứ gì có giá trị, họ sẵn sàng lặn sâu hơn 20m để đây những tảng đá hay dùng gậy nạy san hô.
Yoshiyuki Iwase sinh năm 1904 ở Onjuku, một làng chài ở Chiba, Nhật Bản. Ông có nguồn cảm hứng ghi lại cuộc sống truyền thống của người dân biển của bán đảo Chiba. Với vẻ đẹp nguyên thuỷ, AMA đã trở thành nàng thơ và niềm đam mê của ông. Những bức ảnh tuyệt vời của ông là bằng chứng và hình ảnh cuối cùng, toàn diện nhất về cuộc đời của thợ lặn AMA.
Họ dùng kỹ thuật đặc biệt để lặn sâu gần 10m, giữ hơi thở tối đa 2 phút mỗi lần. Khi nổi lên, AMA khẽ mở miệng và thở ra từ từ, tạo ra một âm thanh huýt sáo gọi là “Isobue”. Họ sẽ làm việc tới 4 giờ mỗi ngày để thu thập bào ngư, rong biển và các sản vật biển khác.
Mikimoto pearl island
Năm 1893, Mikimoto Kōkichi phát triển kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai tại đảo ngọc trai ở Toba. Nghề lặn ngọc trai của các AMA bắt đầu phát triển mạnh. Vai trò của AMA là thu hoạch những con hàu từ đáy biển đem về trang trại. Sau khi được cấy nhân tạo ngọc, họ đưa những con hàu này trở lại đáy biển. Khi những viên ngọc trai được hình thành, họ sẽ lặn xuống biển để thu hoạch các con hàu và lấy ngọc trai.
Họ cũng phải nhanh chóng chuyển các con hàu đến những địa điểm an toàn trong trường hợp bị thủy triều đỏ tấn công hoặc bão. Thành công của ngành công nghiệp nuôi cấy ngọc trai của Nhật Bản không thể có được nếu không có sự đóng góp của họ.
Ngoài việc khai thác ngọc trai, Mikimoto pearl island còn là nơi thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Các du khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi thấy AMA lặn chỉ mặc chiếc khố truyền thống. Do đó, Mikimoto đã thiết kế lại trang phục lặn AMA trắng toàn thân, sử dụng thùng gỗ làm phao. Họ được kết nối với chiếc phao này bằng một sợi dây và sẽ sử dụng nó để nghỉ ngơi và hít thở giữa những lần lặn.
Ngày nay, khi kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai đã được phát triển, AMA không còn cần thiết nữa. Số lượng AMA giảm dần khi kỹ thuật cổ xưa này ngày càng ít được sử dụng. Thế hệ phụ nữ mới Nhật bản cũng không còn quan tấm đến nghề này và nhu cầu ngày càng giảm.
Trong những năm 1940, 6000 AMA làm nghề dọc theo bờ biển của Nhật Bản. Ngày nay chỉ còn khoảng 60 – 70 nữ thợ lặn ngọc trai còn theo nghề. Mikimoto Pearl Island giờ là nơi duy nhất có thể nhìn thấy AMA trong trang phục lặn trắng truyền thống.
Bộ phim Island of Mystery có những hình ảnh lặn biển sống động của các AMA tại làng chài trên đảo Hokkaido.
Nguồn:
- Michael Gakuran, Ama – The Pearl Diving Mermaids of Japan
- Priya Shukla, Meet The Female Pearl-Divers of Japan: The ‘Ama’, Forbes
- Mikimoto pearl museum
- How to Ikigai: Lessons for Finding Happiness and Living Your Life’s Purpose, Time Tamashiro